trongtaithuongmai.org © 2024 | Trọng tài thương mạiLuật sư, Trọng tài viên, Hòa giải viên Kiều Anh Vũ | Công ty Luật TNHH KAV LawyersĐiện thoại: 0949 761 861 | Email: [email protected] | Địa chỉ: Tầng 3, số 237 Khánh Hội, Phường 2, Quận 4, Tp. Hồ Chí Minh
Bộ luật Thương mại 2005 ngày 14/6/2005 hiện là Bộ luật thương mại mới nhất 2023 đang có hiệu lực. Luật Thương mại năm 2005 điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh được tiến hành trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gồm 09 chương và 324 điều, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2006.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 sửa đổi, bổ sung 2019 (sau đây gọi là Luật Thương mại 2005) thì: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi. Hoạt động này bao gồm mua bán hàng hóa, đầu tư, xúc tiến thương mại, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Theo đó, các hoạt động mua bán được hiểu như sau:
Mua bán hàng hoá là bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận tiền thanh toán; bên mua sẽ có nghĩa vụ thanh toán đúng cho bên bán, được nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận.
Đầu tư là việc chủ đầu tư bỏ tiền ra mua hàng sau đó bán lại với giá cao hơn nhằm thu lợi nhuận.
Xúc tiến thương mại là hoạt động thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ. Hoạt động này bao gồm hoạt động khuyến mãi, quảng cáo thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ và hội chợ, triển lãm thương mại.
Cung ứng dịch vụ là một bên có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho một bên khác và được nhận thanh toán; bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán đúng và đủ cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo những gì đã thỏa thuận.
Các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Tải Luật Thương mại năm 2005 TẠI ĐÂY
Văn bản hướng dẫn Luật thương mại mới nhất hiện nay là những văn bản nào?
Tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật thương mại vẫn còn hiệu lực như sau:
- Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;
- Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;
- Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
- Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
- Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
- Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành;
- Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại;
- Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương;
- Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa;
- Nghị định 08/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công thương;
- Nghị định 09/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics;
- Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa;
- Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại;
- Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
- Nghị định 125/2014/NĐ-CP sửa đổi quy định về dịch vụ giám định thương mại tại Nghị định 120/2011/NĐ-CP và 20/2006/NĐ-CP;
- Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử;
- Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi thủ tục hành chính tại Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại;
- Nghị định 39/2007/NĐ-CP về việc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;
- Nghị định 158/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá qua Sở Giao dịch hàng hóa;
- Nghị định 35/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
- Nghị định 20/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại.
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế.
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài xuất hiện sớm nhất, được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới. Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.
Đặc điểm của trọng tài vụ việc:
+ Trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
Hình thức trọng tài này chỉ tồn tại và hoạt động trong thời gian giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên, khi giải quyết xong vụ tranh chấp, trọng tài tự chấm dứt hoạt động.
+ Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành (vì chỉ được thành lập để giải quyết vụ tranh chấp theo sự thỏa thuận của các bên) và không có danh sách Trọng tài viên riêng. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài.
+ Trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng riêng. Trọng tài vụ việc chỉ được các bên thành lập khi phát sinh tranh chấp nên quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp phải được các bên thỏa thuận xây dựng. Tuy nhiên, để tránh lãng phí thời gian cũng như công sức đầu tư vào việc xây dựng quy tắc tố tụng, các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn bất kì một quy tắc tố tụng phổ biến nào (thông thường là quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài có uy tín ở trong nước và quốc tế).
Trọng tài vụ việc có một số ưu điểm như: giải quyết nhanh chóng, ít tốn kém hay quyền lựa chọn Trọng tài viên của các bên không bị giới hạn bởi danh sách Trọng tài viên mà có thể lựa chọn bất kì Trọng tài viên nào trong và ngoài danh sách Trọng tài viên của bất kì Trung tâm trọng tài nào. Bên cạnh đó, trọng tài vụ việc có lợi thế trong việc xác định quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp.
Theo pháp luật Việt Nam, Trọng tài quy chế được tổ chức dưới dạng các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản riêng và trụ sở giao dịch ổn định. Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Đặc điểm của trọng tài quy chế:
+ Trọng tài quy chế được tổ chức dưới hình thức các Trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống cơ quan nhà nước.
Các Trung tâm trọng tài được thành lập theo sáng kiến của các Trọng tài viên sau khi được cơ quan nhà nước có thấm quyền cho phép, chứ không phải được thành lập bởi Nhà nước. Các Trung tâm trọng tài không nằm trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, cũng không thuộc hệ thống cơ quan xét xử nhà nước. Trung tâm trọng tài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Hoạt động của Trung tâm trọng tài theo nguyên tắc tự trang trải mà không được cấp kinh phí hoạt động từ Ngân sách Nhà nước. Trọng tài viên duy nhất hoặc Hội đồng trọng tài không nhân danh quyền lực nhà nước mà nhân danh người thứ ba độc lập ra phán quyết.
Là tổ chức phi chính phủ nhưng các Trung tâm trọng tài vẫn luôn đặt dưới sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước quản lý đối với các Trung tâm trọng tài thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức và hoạt động của các Trung tâm trọng tài. Ngoài ra, việc quản lý nhà nước đối với Trọng tài thương mại còn được thực hiện thông qua hoạt động quản lý của hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cấp; thay đổi, bổ sung hay thu hồi Giấy phép thành lập, Giấy đăng ký hoạt động của các Trung tâm trọng tài...
+ Các Trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng tồn tại độc lập với nhau.
Trung tâm trọng tài là tổ chức có tư cách pháp nhân, đáp ứng đầy đủ các điều kiện của pháp nhân quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015. Mỗi Trung tâm trọng tài là một pháp nhân, tồn tại độc lập và bình đẳng với các Trung tâm trọng tài khác. Trung tâm trọng tài được lập Chi nhánh, Văn phòng đại diện ở trong nước và nước ngoài.
Ngoài sự độc lập, bình đẳng và quan hệ hợp tác giữa các Trung tâm trọng tài không tồn tại quan hệ phụ thuộc mang tính hành chính trong cơ quan tài phán hành chính như cấp trên, cấp dưới. Sự khác biệt này về tổ chức của Trọng tài thương mại (cơ quan tài phán tư) so với hệ thống tổ chức của toà án (cơ quan tài phán công) dẫn đến tính đặc thù của tố tụng trọng tài trong việc áp dụng nguyên tắc xét xử một lần.
+ Tổ chức và quản lý ở các Trung tâm trọng tài đơn giản, gọn nhẹ.
Trung tâm trọng tài có Ban điều hành và Ban thư ký. Cơ cấu, bộ máy của Trung tâm trọng tài do điều lệ của Trung tâm quy định. Ban điều hành Trung tâm trọng tài gồm có Chủ tịch, một hoặc các Phó Chủ tịch, có thể có Tổng thư ký do Chủ tịch Trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch Trung tâm trọng tài là Trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách Trọng tài viên. Các Trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
+ Trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng.
Mỗi Trung tâm trọng tài tự xác định về lĩnh vực hoạt động của mình tùy thuộc vào khả năng chuyên môn của đội ngũ Trọng tài viên và phải được ghi rõ trong Điều lệ của Trung tâm trọng tài. Trong quá trình hoạt động, các Trung tâm trọng tài có quyền mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi lĩnh vực hoạt động, nhưng phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các Trung tâm trọng tài tồn tại độc lập với nhau, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh cùng nha. Mỗi Trung tâm trọng tài đều có Điều lệ riêng, đặc biệt là quy tắc tố tụng riêng được xây dựng căn cứ vào đặc thù về tổ chức, hoạt động của Trung tâm và không trái với quy định của pháp luật Trọng tài thương mại.
+ Hoạt động xét xử của Trung tâm trọng tài được tiến hành bởi các Trọng tài viên của Trung tâm.
Mỗi Trung tâm trọng tài đều có danh sách riêng về Trọng tài viên của Trung tâm. Hoạt động xét xử của Trung tâm trọng tài chỉ được tiên hành bởi các Trọng tài viên của chính Trung tâm. Đặc điểm này có sự khác biệt so với giải quyết tranh chấp thương mại tại trọng tài vụ việc.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Thương mại 2005