Mới đây, một chàng trai trẻ đầy trăn trở chia sẻ lên Zhihu về việc có nên đi học đại học không. Cậu viết: "Nhà nghèo, không thể kiếm ra được 1 vạn tệ (~33 triệu), em gái thì sắp sửa lên cấp 2, vậy tôi có nên học đại học không? Tôi rất hoang mang, một mình nằm trên giường suy nghĩ cả đêm, rất khó xử! Mọi người hãy cho tôi lời khuyên với, cảm ơn mọi người!"

Không học đại học, nhưng bạn vẫn phải không ngừng nỗ lực và học hỏi

Key: Tôi nói này, đại học hay không đại học vẫn gặp nhiều tranh cãi. Với nhà quá nghèo, có thể bạn sẽ lựa chọn không đi học cũng được. Tuy nhiên, dù bạn làm gì, cũng đừng bao giờ ngừng trau dồi thêm kiến thức, kĩ năng trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Như thế, bạn mới có cơ hội phát triển.

Thực tế có không ít người nghèo, không học đại học mà vẫn thành công đó. Họ học nghề, rồi mở xưởng, thuê nhân công. Nhưng đừng tưởng họ sẽ dừng lại khi đã có chút tiền, họ luôn không ngừng nỗ lực học cách quản lý, học về kế toán, học nâng cao tay nghề... Đó chính là cốt lõi!

Học đại học có thể ngừng, nhưng sự học là không bao giờ. (Ảnh minh họa)

QQ: Tôi nghĩ đại học không bắt buộc, nhưng những người sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn thường chưa có định hướng phát triển. Mà quãng thời gian đại học mở mang được rất nhiều, giúp họ có hướng đi cho tương lai. Mình nghĩ là nên học, nhưng nếu quá khó khăn cũng đừng chăm chăm làm công nhân kiếm tiền.

Nếu bạn không học đại học, bạn sẽ nghèo cả đời!

Rain: Ở đại học, bạn có thể nghèo bốn năm. Nhưng nếu không học, bạn sẽ nghèo cả đời!

Đậu đỏ: Thật đau lòng khi thấy người trẻ hỏi như vậy. Trước mắt, bạn có thể thi vào một trường với học phí thấp, thứ hai là nỗ lực để được tuyển thẳng - có học bổng và tiết kiệm chi phí.

Đừng bỏ cuộc, vượt qua khó khăn tài chính, mai này thành công bạn sẽ nhớ về và cảm giác như 1 giấc mơ.

Xixi: Nếu bạn không định lặp lại cuộc đời như của bố mẹ, con cái bạn sẽ như bạn và em gái, bạn biết phải làm gì rồi đó.

T.T: Nhất định phải đi học, nếu không muốn cuộc đời các con là phản chiếu cuộc đời nghèo khổ của chính bạn.

Mai: Đã nghèo thì lại càng phải học, nếu không về sau sẽ càng nghèo hơn. So sánh giữa học nhiều thêm vài năm với làm công nhiều thêm vài năm, trong lòng mọi người đã có kết luận.

Mèo: Đi bộ trong khuôn viên trường đại học, bạn sẽ được cảm nhận hương thơm cây cỏ, tiếng chim hót. Nếu bạn đi làm, bạn đang mang một gánh nặng mà đáng lẽ bạn không nên mang ở độ tuổi của mình. Cố gắng lên đại học nhé, đó là thanh xuân mà bạn nên có.

Đại học là thanh xuân một người trẻ nên có. (Ảnh minh họa)

Nhất định phải học mới đổi kiếp nghèo: Những câu chuyện truyền cảm hứng từ người thật, việc thật!

1. Từng bị chỉ trích "con nhà lính, tính nhà quan" vì nghèo mà đi học đại học.

Với kinh nghiệm của 1 đứa nhà nghèo thì tôi nói thật, bạn nhất định phải học. Là con gái thì càng phải học!

Nhà tôi nghèo, hồi tôi học xong lớp 12 bố mẹ hỏi tôi muốn học đại học không. Tôi bảo muốn. Rồi tất cả cô dì, chú bác, hàng xóm... tất tần tật đều nói tôi "con nhà lính, tính nhà quan", rằng tôi ích kỷ, không quan tâm cha mẹ. May mắn là bố mẹ tôi ủng hộ.

Hồi đấy nhà xa trường, tôi phải ở trọ. Tôi vẫn nhớ tôi vào trường được 5 ngày thì bắt đầu lao vào tìm việc làm thêm. Bưng bê, quét dọn, rửa bát, gia sư,... chẳng việc gì tôi từ chối. Tôi tự kiếm đủ tiền nuôi bản thân, ăn, uống, trọ, quần áo, đi chơi.

Đôi khi dồn lại đóng được cả học phí. Năm thứ 2 đại học tôi đủ tiền mua 1 cái iPhone 6 cũ (hồi đấy hơn 5 triệu). Năm 3 sau tôi đủ tiền mua laptop. Năm thứ tư thì tôi quyết định đi thực tập nước ngoài. Tôi nhờ bố mẹ vay hộ 1 khoản tiền để chuẩn bị.

Tôi sang đó đi làm, lương không thể gọi là cao nhưng so với tầm chung thì tạm ổn (2x-3x triệu/ tháng). À bây giờ thì tôi đang kẹt bên này mà không về nhà được.

Tôi tự ăn bánh, tự thổi nến, tôi chỉ mong có thể mãi mạnh mẽ như từ trước đến giờ. (Ảnh minh họa)

Hôm nay sinh nhật, tôi tự ăn bánh, tự thổi nến, tôi chỉ mong có thể mãi mạnh mẽ như từ trước đến giờ. Đọc đến đây thì cho tôi xin 1 lời chúc lấy động lực nhá.

Và nhớ là phải học, nhất định phải học thì mới đổi được kiếp nghèo!

2. Không đi học sẽ trở thành điều khiến cả đời bạn hối hận nhất.

Là một người có gia cảnh nghèo khó nhưng đã học xong đại học, tôi chân thành cho bạn một lời khuyên: Nhất định phải học!

Kể bạn nghe hai câu chuyện có thật. Một là tôi, một là bạn thân của tôi. Gia đình hai chúng tôi đều rất nghèo, nghèo đến mức nào á? Bắt đầu từ hồi tôi học tiểu học thì đã luôn không nộp học phí đúng hạn rồi, mỗi một học kì mới đều là ba tôi đi tìm giáo viên chủ nhiệm xin “chịu”.

Cả nhà một tuần chỉ có khoảng 17k để ăn uống. Trong ký ức của tôi, lúc nhỏ chưa bao giờ có chuyện mua quần áo mới, đều là mặc lại đồ cũ của chị gái. Thế mà bạn thân của tôi nhà còn nghèo hơn cả tôi.

Kể chuyện của tôi trước. Tôi thi đậu đại học, nhưng trong nhà kiếm không nổi học phí. May mắn bạn trai đã giúp tôi tìm hiểu về khoản vay sinh viên. (Thời đó thông tin rất ít ỏi, tôi chưa từng được chạm vào điện thoại, máy tính).

Sau đó là bốn năm đại học, học phí của tôi đều là vay. Lúc đó tôi cũng rất áp lực, luôn cảm thấy nợ nần nhiều như vậy, sau này sao trả nổi? Bây giờ nghĩ lại thấy mình ngây thơ ghê, hiện tại lương một tháng của tôi cũng xấp xỉ học phí 4 năm đại học rồi, nào có thấy áp lực gì đâu?

À, còn chuyện sinh hoạt phí mới là vấn đề. Tôi chỉ được cho một khoản lúc nhập học, sau đó tự làm thêm và trang trải. Dù không đơn giản, nhưng tôi làm gia sư cũng tạm đủ sống.

Nhất định phải học thì mới đổi được kiếp nghèo (Ảnh minh họa).

Tới năm ba, năm tư, tôi ít làm gia sư hơn mà làm những công việc khác để có thêm kĩ năng xã hội. Trong lúc làm việc tôi được đánh giá khá cao về kỹ năng tổ chức, nên đã được một vài đối tác trọng dụng.

Bốn năm đại học, trong nhà không gửi tiền cho tôi, nhưng tôi cũng không oán trách ba mẹ, vì tôi ý thức được hoàn cảnh gia đình, và đã hạ quyết tâm tự dựa vào sức mình.

Kể bạn nghe chuyện của bạn thân tôi. Cô ấy lực học có thể đậu trường tầm trung, nhưng cô ấy đã bỏ cuộc ngay từ lúc điền nguyện vọng rồi. Cô ấy ghi Thanh Hoa Bắc Đại (bạn tôi hiểu bản thân thi không nổi nên điền đại đó). Vì cô ấy biết dù có thi đậu thì cũng không có tiền để học.

Sau khi quyết định từ bỏ đại học, bạn tôi ra ngoài làm công, vào nhà xưởng, bưng bê, làm giáo viên dạy thay ở trường mẫu giáo... Từ đầu đến cuối đều không tìm được công việc mà bản thân thích. Sau đó nữa thì lấy chồng rồi. Cô ấy bây giờ, sống một cuộc sống bình bình, nhưng đoán chừng trong lòng cô ấy cả đời này cũng không buông bỏ được chuyện bản thân không lên đại học được.

Cô ấy bây giờ sống một cuộc sống bình bình bên gia đình, nhưng cả đời không buông bỏ được chuyện bản thân từ bỏ đại học.

Tôi đã nói với cô ấy rằng từng khó khăn đều có cách giải quyết. Tuy là bây giờ với cô ấy thì điều này chẳng còn nghĩa lý gì. Nhưng tôi vẫn nói, bởi mong cô ấy về sau gặp phải khó khăn cũng đừng dễ dàng từ bỏ.

Mong những điều kể trên sẽ có ích với bạn. Không đi học sẽ trở thành điều khiến cả đời bạn hối hận nhất và không thể nào bù đắp được.

3. Học hành là nấc thang chạm tới ước mơ và thật sự xứng đáng để tất cả mọi người đầu tư làm thật tốt.

Chị sinh ra trong gia đình nghèo, vách nhà là ván, mưa dột trên đầu, dưới thì ngập hết cả bàn chân. Nhà bị giải tỏa, phải bán hết đồ đạc chuyển đến căn trọ chưa đầy 30m2.

Bốn năm đại học của chị thật sự rất vất vả. Học ở trường, đi làm thêm ròng rã. Bạn bè rủ cuối tuần đi chơi, chị từ chối. Họ bảo chị thật sự thích học thế cơ à? Không, khoảng thời gian đó chị rất cô đơn! Học không vui, đi làm thêm cũng chỉ một mình.

Nhưng động lực duy nhất là không để bố mẹ cứ mãi buôn gánh bán bưng trên phố. Động lực thứ hai là làm gương cho em út trong nhà.

Rồi mọi thứ cũng được đền đáp, chị ra trường, nhận được 1 vị trí rất tốt, lương khởi điểm là niềm ao ước của nhiều người. Chị nỗ lực làm việc, chân trong chân ngoài, mỗi đêm vẫn tự học. Lúc đầu mệt mỏi thì sau này sẽ thoải mái, lúc đầu thoải mái thì sau này sẽ mệt mỏi hơn nhiều. Cuộc đời thực ra rất công bằng!

Hiện giờ thu nhập của chị đã hơn bạn bè cùng tuổi vài lần. Bố mẹ không phải rong ruổi trên phố nữa. Đầu 2020 gia đình chị chuyển vào nhà mới, nợ ngân hàng chứ không mua đứt được đâu.

Tuy nhiên, chị biết những năm tháng túng thiếu chật vật trước kia đã qua đi rồi, cuộc đời sau này sẽ suôn sẻ hơn. Học hành là nấc thang chạm tới ước mơ và thật sự xứng đáng để tất cả mọi người đầu tư làm thật tốt!

NSND Quốc Anh có biết từ bao giờ mình lại bị đóng đinh vào những vai quan tham, đểu cáng ở mảng hài kịch? Phải chăng từ vai Lý lác trong "Râu quặp"?

- Việc bị đóng đinh vào những vai như quan tham, quan huyện, Lý trưởng, chánh tổng, ... có lẽ từ khi tôi còn ở Nhà hát Chèo.

Ở đấy, tôi đã từng đóng Lý trưởng, sau đó tôi đóng rất nhiều dạng vai từ chính diện đến phản diện nhưng vai được các cụ, các thầy ấn tượng và thích nhất vẫn là Lý trưởng.

Trước đó, tôi đã tham gia một trích đoạn Bá kiến và tôi nghĩ mình bị đóng đinh vào những vai diễn này từ những năm đó - khoảng năm 2002..

Cùng với Xuân Hinh, Quang Tèo, anh là một trong những nghệ sĩ hài được khán giả yêu mến gọi là "Vua hề chèo", "Vua hài đất Bắc"… anh nghĩ sao về những danh xưng đó dành cho mình?

- Thú thật, danh xưng đối với tôi không quá quan trọng. Khán giả yêu mến nên gọi như vậy, chứ tôi không dám nhận mình là "Vua hề chèo" hay "Vua hài đất Bắc" đâu.

Trên sân khấu chèo hay hài kịch tôi chỉ dám nhận mình là nghệ sĩ đóng tròn trịa các dạng vai tính cách khác nhau.

Ở mảng sân khấu chính kịch, một vai diễn tôi không bao giờ quên được đấy là nhân vật Nguyễn Trãi trong vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan.

Thực tế, khi được phân vai Nguyễn Trãi, tôi đã trăn trở rất nhiều. Tôi đọc kịch bản này khi đang "chạy sô" ở Bắc Kạn. Mấy đêm liền tôi thức trắng.

Tôi đã mua rất nhiều sách viết về Nguyễn Trãi để nghiền ngẫm về nhân cách và nỗi oan khiên của cụ, những mong có thể tái hiện lại hình ảnh Nguyễn Trãi trên sân khấu.

Trong quá trình luyện tập và diễn xuất, tôi cũng đã cố gắng để lột tả được "cái thần" của Nguyễn Trãi.

Tôi đã cố gắng làm sao để đẩy cái hồn cốt Nguyễn Trãi mà tôi đang thể hiện lên cao, thoát ra khỏi cái vẻ bề ngoài.

Và quả thực, như các cụ nói "gái có công thì chồng không phụ", vai Nguyễn Trãi đã mang về cho tôi thành công rực rỡ khi được Huy chương Vàng ở hội diễn.

Tôi phải khẳng định đó là sự thăng hoa giữa thầy và trò. Thầy tôi - cố NSND Doãn Hoàng Giang giao cho tôi vai này với lời nhắn: "Tôi tin cậu".

Với NSND Quốc Anh, "cái được" lớn nhất của nghệ sĩ hài là cát-xê cao, nhanh chóng nổi tiếng hay chỉ đơn giản là sự vui vẻ, mang lại tiếng cười cho mọi người?

- Đúng là tôi nhận thấy mình có duyên với hài, nhất là những vai hề như Lý trưởng, Thầy rởm, Lý lác… Với tôi, mọi "cái được" mà bạn nói ở trên đều không quan trọng, mà quan trọng là được làm nghề, được khán giả biết đến ở nhiều dạng vai và được yêu mến.

Quả thật, với "sân khấu đại chúng" là tấu hài, sự nổi tiếng cũng đến nhanh hơn và tôi cũng không phủ nhận nhờ băng đĩa hài, người ta biết đến tôi nhiều hơn.

Trước tôi cũng diễn hề chèo, nhưng rõ ràng khi ra với sân khấu đại chúng, tác động và sự lan tỏa nhanh hơn nhiều. Tôi cho rằng, với sân khấu nào cũng nên hết mình.

Thú thật, kể cả thời đỉnh cao nhất hay cho đến bây giờ, tôi cũng không đòi hỏi cát-xê.

Đến tuổi ngoài 60 rồi, kiếm tiền nhiều cũng chẳng để làm gì, các cụ nói chẳng sai: "Chết cũng mang đi thôi", nên tốt nhất hãy làm điều mình thích và cảm thấy nhân văn, ý nghĩa đó là vui, là giàu có rồi.

Nhớ lại thời hoàng kim, có kỷ niệm nào anh ấn tượng nhất có thể chia sẻ?

- Thời đó, tôi được mời đi show rất nhiều, dày đặc tại các tỉnh thành, huyện này sang huyện khác. Có những tháng đi đến 20 ngày, đúng là cũng vui, nhưng rất hại sức khỏe.

Tôi còn nhớ thời đấy có Quang Tèo, Thắng Vẹo, vợ chồng Công Lý, Giang Còi, bác Phạm Bằng, Vân Dung, Minh Hằng đi diễn cùng.

Anh em đi diễn với nhau có rất nhiều kỷ niệm, không thể nào kể hết được và nó đọng lại trong lòng mỗi người tình nghệ sĩ.

Có lần, diễn ở Điện Biên, chúng tôi thống nhất với bầu show phải đưa cát-xê cho các cụ cao tuổi trước, ví dụ như cụ Bằng, phải trân trọng những cây đa, cổ thụ trong nghề.

Hồi đấy, Bình Trọng (con trai NSND Trần Nhượng - PV) cũng rất hay đi cùng tôi, anh em đi diễn bằng xe máy, tôi không biết lái xe. Trọng là người chở và chúng tôi cứ thế đi diễn triền miên. Thực sự khoảng thời gian đó rất vui.

Thời kỳ đỉnh cao, cát-xê anh kiếm được anh dùng thế nào? Mua vàng hay đầu tư bất động sản?

- Nếu hồi đấy mua vàng thì chắc bây giờ trong nhà phải chất hàng đống (cười). Nói vui vậy thôi, với tôi, điều đó không quan trọng.

Thời đó, đi làm có tiền tôi không mua đất, cũng chẳng mua vàng, tôi giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn khác trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Tôi nghĩ, giàu nghèo do số nên cứ để thuận theo tự nhiên. Vì tôi quan niệm, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình.

Điều tôi quan trọng nhất là giữ được tình cảm đối với quý vị khán giả.

Đặc biệt, tôi rất ít nhận lời làm quảng cáo. Tôi chỉ nghĩ một điều, chẳng giàu có gì nếu mình có thêm vài trăm triệu. Tôi sợ nếu quảng cáo không đúng sự thật, không đúng với giá trị của sản phẩm mà người dân tin tưởng mình rồi kéo nhau mua thì mình mang tội.

Vì thế, tôi không bao giờ quảng cáo thực phẩm chức năng hay thuốc thang, kể cả có giấy phép tôi cũng phải xem lại rất kỹ.

Tôi quảng cáo 1 lần duy nhất cách đây 5 năm cho sản phẩm của nhà máy sản xuất phân bón của Nhà nước. Tôi cảm thấy sản phẩm đó tốt cho bà con nông dân, dùng phân đó bón cho cây trồng như thế nào, hiệu quả kinh tế mang lại ra sao.

Để có một NSND Quốc Anh như bây giờ, chắc hẳn anh cũng không thể quên những năm tháng nghèo khổ của đời nghệ sĩ?

- Đó là năm tháng thời bao cấp đói khổ, rét mướt, ăn bo bo và mì trắng thay cơm. Thỉnh thoảng, tôi cùng đám bạn học ra làng kì cạch cả buổi chỉ câu được một con cá, mò được vài chú cua đồng, hay bắt được rổ ốc đá để cải thiện.

Đời diễn viên nghèo lắm, đi diễn khắp nơi cùng chốn, ngay cả những ngày giáp Tết, tôi cùng diễn viên nhà hát đi diễn khắp các tỉnh miền Bắc, hết ở đồng bằng trung du lại ngược lên miền núi, đi xuống miền biển, đói vẫn hoàn đói.

Vậy mà đến ngày về chỉ mong mua sọt cam mang về quê cho cha mẹ, gia đình, nhưng rồi tiền cát-xê hai tháng cũng chẳng đủ để mua được sọt cam.

Nhiều năm tôi phải ở lại Hà Nội vì không đủ tiền mua vé về quê sum họp ngày Tết với gia đình.

Cuộc sống khó khăn, đói khổ đó không chỉ với một người mà cả một thế hệ, nhưng mọi người vẫn cứ phải sống, phải đi và tiến về phía trước.

Bây giờ, anh đã đề huề nhà cửa, đã vi vút ô tô và tiền tiêu rủng rỉnh, vậy có ký ức nào cụ thể về cái khổ, cái đói một thời vẫn ám ảnh anh không thôi?

- Chuyện đã qua hơn 35 năm nay, nhưng mỗi lần nhớ lại, hay đi qua đoạn Thường Tín, Hà Tây cũ, trong lòng tôi lại trăn trở.

Đó là năm đầu của thập niên 80, khi đó, tôi mới 20 tuổi, đi từ quê Thanh Hóa ra Hà Nội để vào năm học. Đi trên xe mà trong túi chẳng có nổi một xu. Xe dừng ở Thường Tín, bác tài đến thu tiền vé, lúc đấy, tôi không có tiền, ấp úng nói mong bác tài thông cảm.

Người đàn ông trung niên vằn mắt nhìn tôi: "Trông thư sinh trắng trẻo thế mà bảo không có tiền?!". Mấy chục năm qua, ánh mắt ấy vẫn ám ảnh tôi…

Ông ta bảo: "Mày không có tiền thì ai bảo ngồi trên xe tao?". Vừa dứt lời, ông ta dùng hết sức tát một cái như trời giáng xuống gáy tôi, rồi ném tôi xuống xe. Chiếc xe lao đi, còn lại một mình tôi trên đường vừa buồn, vừa tủi, vừa đuối lý. Tôi đi bộ 20 cây số vào một ngày cuối chiều mùa hè từ Thường Tín về Nhà hát chèo Việt Nam.

Lúc đó, hơn ai hết, tôi thấm thía cái nghèo, cái khổ, cả nỗi nhục, đói khát và thiếu thốn... Chuyện có vậy đó, mà ám ảnh tôi đến bây giờ.

Đi qua những năm tháng thăng trầm của cuộc sống, của nghiệp diễn và cho đến bây giờ, với anh, nỗi lo nghệ thuật và nỗi lo "cơm áo gạo tiền", nỗi lo nào khổ hơn?

- Tôi nghĩ, nỗi lo nghệ thuật mới khổ và trăn trở hơn. Còn cơm áo gạo tiền đối với tôi không quan trọng. Thời buổi bây giờ, chẳng còn sợ đói mà chỉ mong sống làm sao cho khỏe và sang lên.

Tôi thực sự là một người rất kỹ tính, khi truyền lửa cho các em, bao giờ tôi cũng nói làm nghệ thuật phải có sự đam mê trước. Hãy yêu và đam mê với nghề đi, Tổ nghiệp chưa phù hộ được lúc này thì chắc chắn sẽ phù hộ cho mình vào khi khác.

Từ năm 20 đến 25 tuổi tôi rất long đong, lận đận, mãi đến khi 40 tuổi tôi mới bắt đầu nổi tiếng và được khán giả biết đến.

Người ta vẫn nói, cuộc đời của các nghệ sĩ hài, chỉ tươi cười dí dỏm trên sân khấu, còn ở đời thực thì buồn nhiều hơn vui, "bên ngoài cười nụ, bên trong khóc thầm", anh thấy điều đó đúng không?

- Tôi nghĩ điều đó không chỉ đúng với tôi mà nhiều nghệ sĩ khác cũng như thế. Vì mỗi người một số phận, trời cho cái này sẽ lấy đi cái khác, không ai có thể tròn trịa cả.

Nghệ sĩ hài khiến khán giả cười ra nước mắt nhưng trong lòng họ cũng có những bi kịch, uẩn khúc riêng. Nhiều khi chẳng chia sẻ với ai, chỉ giữ trong lòng.

Với tôi, chắc chắn từng có những buổi diễn hài xong trong lòng buồn mênh mang, buồn tê tái.

Còn nhớ, hồi tôi đóng vai Lý lác trong Râu quặp, đúng khi khởi quay, tôi có tin buồn: bố bị ung thư. Tôi cố làm hài, diễn trước ống kính sao cho nhân vật thật hay nhưng tối về… một mình lên gác thượng, ngồi hút hết 3 bao thuốc lá. Tôi nghĩ về bố, thương bố, rơi nước mắt vì cái án tử hình lửng lơ trước mặt.

Sau khi quay xong thì bố tôi mất. Oái oăm ở chỗ, khán giả biết đến tôi nhiều ở phim hài đó.

Rồi lúc sự nghiệp của tôi ở đỉnh cao nhất thì hôn nhân lại đổ vỡ. Như tôi đã nói, Tổ nghiệp sẽ không cho ai đầy đủ mọi thứ, cho cái này thì mất cái kia.

Thời đấy, thi thoảng gặp bạn bè, tôi vẫn hay nói vui: "Trời cho những cái bên ngoài, trời lại hại những cái sơ sài bên trong".

Dẫu vậy, tôi chia tay với vợ cả rất nhẹ nhàng. Tôi nhận nguyên nhân đổ vỡ về mình, giữ được hạnh phúc gia đình hay không do bản thân tôi chứ không phải do cô ấy. Có lẽ, chúng tôi không có duyên. Số trời đã định, không tránh được.

Ngẫm lại, tôi thấy, cuộc đời còn nhiều điều hay và thú vị nên hãy vượt qua nỗi buồn của mình và lại cống hiến.

Đối với tôi, tiếng cười phải có tính nhân văn, thâm thúy và sự sâu lắng, đọng lại trong lòng khán giả nhiều thông điệp, ý nghĩa.

Anh tin vận mệnh mỗi người gắn liền với cái tuổi của mình không?

- Chắc là có đấy. Tôi sinh lúc sang canh vào tháng 2 âm lịch năm Nhâm Dần (1962). Hổ sinh mùa xuân lại vào ban đêm nên lỗi mùa, không thuận duyên, đường đời lắm gian truân, nhọc nhằn. Có lẽ đúng như vậy!

Với NSND Quốc Anh, thăng trầm anh đã trải qua mà thăng hoa cũng được hưởng, để rồi sau tất cả, ở tuổi 61, anh nhận thấy cuộc sống mình gói gọn trong…?

- Cuộc sống của tôi hiện tại có thể nói là an nhàn, bình yên, không còn sóng gió, thoải mái làm nghề và không có gì phải tiếc nuối nữa.

Tôi vẫn nói, tuổi ngoài 60 rồi tốt nhất làm gì, nói gì hay quyết định việc gì cũng đừng bao giờ phải thốt lên hai từ "giá như".

- Nếu không may mắn làm sao có được hạnh phúc như bây giờ (cười).

Và để được trong sự bình yên đó chắc chắn phải có bóng dáng và sự hy sinh của người phụ nữ, mà người phụ nữ ấy không còn trẻ trung nữa, cũng gần U60 rồi. Người vợ thứ 2 của tôi không làm nghệ thuật nhưng rất hiểu và thông cảm với tôi.

Người ta nói sợi dây gắn kết hai vợ chồng chính là những đứa con. Nhưng với anh chị lại khác, hôn nhân của anh và vợ 2 bao năm qua vẫn hạnh phúc dù không có con chung?

- Người ta cũng nói, tuổi già niềm vui lớn nhất là sum vầy bên con cháu nhưng hoàn cảnh tôi hơi éo le một chút là không thể có con.

Trước kia, khi còn 30, 40 tuổi, tôi suy nghĩ, nặng lòng và cũng trách móc bản thân nhiều lắm. Nhưng đến tuổi này rồi, với tôi, ở đâu cũng là gia đình, kể cả con riêng trước nay tôi vẫn đối xử tốt như con đẻ. Quan trọng là chúng tôi đùm bọc, chia sẻ và yêu thương nhau mà sống.

Sau khi nghỉ hưu, một ngày của anh diễn ra như thế nào? Bí quyết gì để vẫn phong độ như vậy?

- Tôi nghỉ hưu nhưng không nghỉ làm, tôi vẫn đi diễn. Tất nhiên ở độ tuổi này, tôi luôn có sự chọn lọc kể cả những show diễn. Tôi không thể à uôm, dễ dãi như thời trẻ được.

Tôi sống và ăn uống rất đơn giản. Tôi chỉ thích ăn đậu phụ luộc chấm muối, có khi tôi ăn cả ngày cũng được. Tôi cũng chẳng tập luyện gì, thú vui những lúc rảnh rỗi của tôi là đi câu cá.

Còn bí quyết, tôi nghĩ đều ở suy nghĩ của mình. Điều gì vui vẻ, hạnh phúc thì nên giữ lại còn lăn tăn, muộn phiền thì nên bỏ ra khỏi đầu, như thế cũng đã thoải mái rồi.